Rượu Làng Vân – Đặc sản Kinh Bắc
Nằm bên dòng sông Cầu, xã Vân Hà không chỉ nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng của một làng quê Việt Nam cổ truyền. Nơi đây, từ xa xưa vốn nức tiếng gần xa với nghề nấu rượu. Cái tên rượu làng Vân đã trở thành thương hiệu độc đáo và là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân sống trên mảnh đất này.
Làng Vân thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhiều người dân cho biết, rượu làng Vân ra đời cách nay đã hơn 400 năm. "Tổ nghiệp" là bà Nghi Định mang nghề nấu rượu từ Trung Hoa về truyền dạy lại cho dân làng Vạn Vân. Từ đó trong làng cũng hình thành cái lệ là cứ mùng 4 Tết Nguyên đán, mỗi nhà phải cử một người ra chùa Rộc uống máu ăn thề, nguyền phải giữ bí quyết nghề tổ, không được truyền cho người ngoài làng, kể cả con gái nữ nhân ngoại tộc. Rượu làng Vân nức tiếng xa gần, được chọn để dâng tiến vua, rồi thường xuyên xuất hiện trong các buổi yến tiệc linh đình. Năm Chính Hòa thứ 24 (1703), vua Trần Hy Tông đã sắc phong bốn chữ vàng “Vân hương mỹ tửu” cho rượu làng Vân.
"Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam"
Để làm ra được một mẻ rượu thì cần kinh qua nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu. Ngày trước vì làng thiếu gạo nên làm rượu sắn, nhưng nay làng đã khôi phục lại nghề nấu rượu bằng gạo. Gạo nấu rượu phải được nấu chín thành cơm rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền là 36 vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật ngâm ủ tài tình của người dân nơi đây. Tùy theo nguyên liệu, nó được phân làm ba loại với chất lượng tăng dần theo thứ tự: rượu gạo tẻ, rượu gạo nếp, và rượu nếp cái hoa vàng. Với rượu gạo tẻ và rượu nếp, chỉ cần ủ men Ủ cơm này cho chín trong khoảng 72 giờ rồi đổ nước vào ngâm thêm 72 giờ nữa mới đưa lên bếp chưng cất thành rượu. Nhưng với loại nếp cái hoa vàng thì không đơn giản như vậy. Ngoài việc phải chọn loại nếp ngon nhất để nấu “rượu cốt,” người nấu rượu phải chuẩn bị một mẻ cơm to, chín đều, để làm chất xúc tác cho quá trình “hóa vàng” của rượu. Trong quá trình đó, rượu cốt sẽ được đổ vào một cái chum to có dung tích tầm 50l, dưới đáy sẽ được lót một lớp cơm làm nhiệm vụ hút độ rượu. Sau sáu tháng, thứ rượu nếp trong vắt, nặng tới hơn 52 độ lúc ban đầu sẽ chuyển hóa thành một loại nước vàng ươm, tỏa mùi thơm dịu, và khi đo độ cồn sẽ chỉ còn vào khoảng dăm bảy độ. Cái hay của rượu làng Vân là rượu nặng nhưng uống vào thấy nhẹ, nhẹ nhưng uống vào lại thành nặng, có lúc uống một chén cũng có thể say, nhưng nhiều khi cả vò cũng không say. Say thì ngấm, rất ngấm, nhưng tỉnh cũng nhanh. Rượu làng Vân có đặc trưng khác biệt so với các rượu làng khác là hương vị thơm ngon, dịu êm, đó là mùi đặc trưng của thứ gạo nếp cái hoa vàng đem lại hòa quyện cùng men của vị thuốc Bắc.
Rượu làng Vân nổi tiếng thơm ngon nhiều người biết. Đối với những người sành rượu và ưa thích những loại rượu dân tộc thì rượu làng Vân là thức uống đặc sản vùng miền có thể sánh ngang với bất cứ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới bởi vị đậm đà đặc trưng của hương nếp cái hoa vàng, hương thơm nồng của tới 35 vị men thuốc bắc bí truyền, cái êm dịu của thứ rượu được chắt lọc và ủ kỹ để lọai bỏ hết cái sốc của mùi cồn và hàm lượng aldehyde. Còn đối với những người không sành rượu thì chỉ một lần thưởng thức rượu làng Vân cũng đủ để không thể quên được bởi cái cảm giác ngọt ngào như đang nhấm nháp một ly cocktail hoa quả thơm mát lấn át vị cay nồng, càng uống càng mềm môi, uống từ lâng lâng tới lịm dần và khi tỉnh dậy chẳng có cảm giác của người vừa say rượu.
Với nghệ thuật nấu rượu tài tình của người làng Vân đã tạo ra một thứ nước trong văn vắt với hương vị êm dịu, lắng đọng đã chinh phục cả những vị khách khó tính nhất. Ngày nay, nghề nấu rượu ở làng Vân ngày càng được mở rộng, thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài. Các sản phẩm rượu làng Vân ngày thêm phong phú như: rượu nếp cái hoa vàng, rượu gạo tẻ, rượu sắn, rượu vodka, rượu nếp hạ thổ...
Để thương hiệu rượu làng Vân ngày càng khẳng định được vị thế, vang xa hơn nữa. Năm 2001, HTX rượu Vân Hương được thành lập và là đơn vị duy nhất đã phối hợp các nhà khoa học xây dựng thành công tháp tinh luyện rượu nhằm loại bỏ các tạp chất độc hại đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng. Rượu làng Vân đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ, triển lãm như Hội chợ Tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam; Hội chợ Thương hiệu Việt Nam; Liên hoan tuyển chọn rượu Việt Nam…
Với thương hiệu nổi tiếng và được khẳng định bằng chất lượng, rượu làng Vân vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Rượu làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Khắp mọi miền đất nước, trong các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ, quán bình dân... đâu đâu cũng có sự xuất hiện của loại rượu mang thương hiệu rượu Làng Vân.
Rượu Làng Vân thực sự là đặc sản, một thứ quà tặng mỗi khi ai đó có dịp lên vùng Kinh Bắc đều muốn mua về làm quà biếu bạn bè và những người thân trong gia đình để tất cả cùng biết, cùng nhớ và cùng say thứ rượu này. “Sông Cầu đầy, sông Cầu lại vơi, rượu Vân một chén cả đời vẫn say."
-------------------------------------------------------------------
Rượu Quý - Rượu cổ truyền và đặc sản vùng miền
Hotline: 0917.35.1111
Website: www.ruouquy.com.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/ruouquy.com.vn
Email: info@ruouquy.com.vn
Bài viết liên quan
Bài Viết
Cây cát sâm( sâm nam )có công dụng gì?Bài Viết
Công dụng của táo ta ngâm rượu mà có thể bạn chưa biếtBài Viết
Đỏ mặt khi uống rượu nguyên nhân vì đâu?Bài Viết
Đậy nắp bình ngâm bằng lá chuối khô có tác dụng gì?0917.35.1111