Xuất hiện từ lâu đời, và vẫn là một điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đã có ai từng thử hỏi: “Rượu có gì, mà người ta say túy lúy?” Người xưa quan niệm, rượu là sự thăng hoa của ngũ cốc, văn thơ lại là sự kết tinh của ngôn từ. Trong thi ca, rượu vẫn thường được nhắc tới như tinh hoa của đất trời.
Vậy vì sao người Việt hay uống rượu?
Cội nguồn của rượu
Ngay từ thời dựng nước đầu tiên, ở đời vua Hùng Vương cuối cùng, vua vì say sưa nên đã để đất nước rơi vào tay Thục Phán. Sự việc ấy xảy ra năm Giáp Thìn (257 TCN) và được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Lĩnh Nam chích quái, tác phẩm tập hợp những truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam vào khoảng cuối đời nhà Trần cũng nhiều lần nhắc đến phong tục uống rượu: “dùng gạo Tri làm rượu”, ý nói đến tầm quan trọng của việc chưng cất rượu với nhân dân.
Có thể thấy, người Việt đã uống rượu từ rất lâu rồi
Với nền văn minh lúa nước, rượu của người Việt thường được chưng cất từ các loại ngũ cốc khác nhau: gạo nếp, gạo tẻ, gạo lứt, sắn, ngô, khoai… Men rượu thì lại được làm từ những loại thảo dược, hoa sẵn có, quen thuộc như gừng, cam thảo, quế chi, bạch chỉ, rễ cây ớt…
Mỗi nhà, mỗi vùng lại ấp ủ một bí quyết chưng cất khác nhau, từ thời gian ủ rượu, đến vị trí chôn rượu, nước dùng để làm rượu. Thậm chí, gạo mỗi vùng mỗi khác, gạo nếp ở xứ Nam Hà cũng thể giống gạo nếp nơi Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chính vì thế, rượu mỗi vùng mỗi khác, thấm đẫm sương gió, chắt chiu tinh túy đất trời, ấp ủ trong lòng của đất, đượm hương vị từng vùng miền.
Rượu dần tượng trưng cho cả một vùng đất, những con người:
Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn) được chưng cất từ gạo và nước suối với chất gây men là lá rừng, trong vắt như nước suối mà lại thơm ngon, đậm đà.
Rượu làng Vân (Bắc Giang) nguyên liệu là nếp cái hoa vang nổi tiếng, với các vị thuốc bắc làm men. Chất rượu trong vắt, lắc nhẹ là sủi tăm. Kẻ sành uống chỉ cần nhìn tăm rượu là có thể đánh giá độ ngon của rượu rồi.
Rượu Bàu Đá (Bình Định) được chế biến tỉ mỉ với nguồn nước đặc biệt rỉ ra từ bàu đá. Rượu có mùi thơm đặc trưng, hương vị khác biệt, uống 1-2 chén lại thấy dễ chịu thoải mái, trị được đau lưng, đau bụng, tăng cường sức khỏe.
Trên đời có hai khái niệm: vật chất và tinh thần. Mà rượu lại nằm ở trong cả 2 khái niệm này. Vừa là vật chất, bởi có thể nếm, ngửi, chạm vào. Vừa là tinh thần bởi chất chứa hương vị xứ sở, đại diện cho nét đẹp văn hóa con người.
Người Việt xưa tìm đến rượu vì lẽ gì?
“Phi rượu bất thành lễ”
Để lý giải vì sao người Việt uống rượu, có thể bắt đầu từ văn hóa tâm linh đất Việt thuở xa xưa, nậm rượu trở thành một thứ không thể thiếu trên mỗi bàn thờ. Nậm rượu thường làm bằng gốm sứ, màu trắng, hoa văn nhã nhặn, sạch sẽ, đựng trong mình là thứ rượu trắng trong, tinh khiết như cái tâm của kẻ phàm nhân nơi trần thế.
Trong các dịp lễ lạt, hội làng, rượu cũng trở thành thức uống để cúng thần linh, dâng tiên tổ.
Một chén rượu nhạt dâng lên, cúi mình thành kính tạ ơn Thánh Thần.
Đôi chén rượu cùng cạn, mong cao xanh chứng giám cho tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng, những lời thề nguyện sắt son.
Văn hóa uống rượu của người Việt ngày nay
Từ những nét xưa vẫn còn lưu dấu
Người Việt ngày nay vẫn giữ được phần lớn cái “thú uống” của cha ông khi xưa. Rượu xuất hiện trong mọi cuộc vui, bữa tiệc, xuất hiện trong những bữa cơm hàng ngày. Những đám cưới linh đình dù ở khách sạn hạng sang bậc nhất hay nơi thôn quê, phố huyện cũng không thiếu một chai rượu trên bàn. Rượu cũng là một thức không thể thiếu trong những lễ chúc tụng, tiệc công ty,… hay đặc biệt là ở những buổi hợp tác kinh doanh quan trọng.
Và cũng như muôn năm cũ, người Việt nay vẫn tìm đến rượu mỗi khi buồn, khi muốn tỏ lòng mình với nhân gian. Những quán pub mọc lên như nấm, quầy bar cùng những chiếc ghế đơn là nơi “trú ẩn” cho rất nhiều tâm hồn cô đơn.
Đến sự giao thoa giữa các nền văn hóa
Đã không chỉ là những táo mèo, mơ, hay nếp cái hoa vàng,… người Việt giờ đây còn biết tới các loại vang, whiskey, gin, vodka… – những loại rượu du nhập từ phương Tây. Người Việt làm quen với rượu “chát” từ những năm Pháp thuộc. Cũng chính người Pháp dạy dân mình cách uống rượu sao cho hợp với từng đồ ăn, từ đó uống rượu có thêm nhiều phần thưởng thức, cảm nghiệm. Rượu khi khai vị khác rượu lúc tráng miệng, vang trắng thì thường ăn kèm đồ biển, vang đỏ cho những bữa tối thịnh soạn, nhiều đạm hơn.
Rượu cũng không chỉ mộc mạc với sự nguyên chất, giản đơn về mùi vị như xưa nữa. Rượu cốt được mix với trái cây, hương liệu… tạo nên những ly cocktail muôn hình muôn vẻ, đem đến những trải nghiệm vị giác rất khác nhau.
Khái niệm về cocktail đã được ghi nhận vào thế kỷ 16. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, thức uống này mới trở nên phổ biến tại Mỹ. Năm 1862, một nhân viên khách sạn tại San Francisco đã pha thành công một trong những ly cocktail đầu tiên: Dry Martini – dấu mốc trong lịch sử cocktail thế giới.
Cocktail du nhập vào Việt Nam từ những năm Pháp thuộc. Những ly classic cocktail là một thức uống không thể thiếu trong các quầy bar lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cocktail khi đó chỉ phổ biến với tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Ngày nay, việc tiếp cận một ly cocktail trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, khi mà một quán bar bình dân có thể bán ly cocktail với giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với cốc cà phê bạn uống. Cocktail dần trở thành một món đồ uống “đại chúng”.
“Ẩm tửu dung hòa đích quân tử”
Người xưa uống rượu không chỉ là uống, mà còn là tỏ lòng, tìm tri kỷ, là một sự kết nối trong cảm xúc và tương thông về tâm hồn. Chẳng thế mà có câu “Rượu ngon phải có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua.”
Nhưng ngày nay, rượu trở nên xấu xí trong mắt nhiều người, cũng bởi vì “văn hóa ép rượu”. Lấy lý do vì công việc, nên ép nhau uống, lấy lý do “chú không nể mặt anh” nên so đo từng chén rượu vơi đầy.
Đôi khi người ta uống, mà chẳng biết mình uống gì. Uống gấp, uống vội, rượu vào, lời ra, bao cái xấu xí từ đó mà thành.
Người uống rượu thì nên trầm tính, uống không phải lấy được, cho có, uống cần biết điểm dừng. Đó mới là cốt cách của người quân tử.
Nói cho cùng, vì sao người Việt uống rượu?
Rượu luôn là thần dược cho tâm hồn, nếu chúng ta biết “đủ”.
Rượu vẫn là nét đẹp trong văn hóa, nếu chúng ta biết “đúng”.
-------------------------------
RƯỢU QUÝ - Rượu cổ truyền và đặc sản vùng miền
Hotline: 0917.35.1111
Website: www.ruouquy.com.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/ruouquy.com.vn
Email: info@ruouquy.com.vn
Bài viết liên quan
Bài Viết
Cây cát sâm( sâm nam )có công dụng gì?Bài Viết
Công dụng của táo ta ngâm rượu mà có thể bạn chưa biếtBài Viết
Đỏ mặt khi uống rượu nguyên nhân vì đâu?Bài Viết
Đậy nắp bình ngâm bằng lá chuối khô có tác dụng gì?0917.35.1111