Văn hóa uống rượu đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, đi vào cả những truyền thuyết xa xưa nhất. Ở phương Tây có thể thấy điều này qua Thần thoại Hy Lạp, còn ở phương Đông thì qua hội Bàn Đào của Tây Vương Mẫu.
Chiến quốc sách có chép một chuyện về vua Vũ, sống vào hơn 2000 năm trước Công Nguyên, rằng:
Con gái của Thuấn tên Nghi Địch có sở trường ủ rượu. Nàng cống tặng rượu ngon cho Vũ. Sau khi uống xong Vũ thấy mùi vị tuyệt ngon. Nhưng cũng từ đó mà xa lánh Nghi Địch, bỏ hẳn mỹ tửu, và nói rằng: “Hậu thế ắt có kẻ vì mỹ tửu mà vong quốc!”
Câu chuyện này nói lên được cái hay cái dở của rượu một cách rõ ràng.
Ở Trung Hoa thời xưa, rượu có rất nhiều loại, ví như rượu lúa nếp, rượu gạo, rượu mía thời Hán, rượu hoa Lựu, rượu Liên Bạch, rượu Thù Du có điều chế hương liệu thời Đường. Còn có một số loại rượu được điều chế thêm các phụ liệu khác. Ngoài ra còn có rượu thuốc tốt cho sức khỏe, v.v.
Cũng cần nói thêm rằng rượu thời xưa khác xa với rượu thời nay. Nó thật sự là “ngon” như lời miêu tả trong các bài cổ thi:
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
[…]
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.
(“Tương Tiến Tửu” – Lý Bạch )
Dịch thơ:
Đời người đắc ý hãy vui tràn,
Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!
Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,
Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.
[…]
Đây ngựa gấm,
Đây áo cừu,
Này con, đổi rượu hết,
Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu!
(Bản dịch của Hoàng Tạo, Tương Như)
Hay như câu thơ:
Thả lạc sinh tiền nhất bôi tửu,
Hà tu thân hậu thiên tái danh.
(“Hành Lộ Nan kỳ 3” – Lý Bạch)
Dịch thơ:
Hiện tại nên vui nâng chén rượu,
Nghìn năm chi để cái danh không!
(Bản dịch của một người yêu thơ không để lại danh tính)
Cả một đời Lý Bạch quý rượu, nhiều vần thơ của ông đều liên quan tới rượu, và chúng đã trở thành kinh điển, lưu truyền thiên cổ. Người đời sau còn tán tụng ông là thi tiên (tiên thơ).
Vậy rượu thời xưa ngon như thế nào? Nó khoảng bao nhiêu độ? Mùi vị ra sao?
Võ Tòng đánh hổ sau khi uống say. (Ảnh: Kanegen, Wikipedia, CC BY 2.0)
Theo tài liệu lịch sử thì trước thời Tống Nguyên rượu đều là rượu ủ lên men. Loại rượu này dùng nguyên liệu như lương thực ngũ cốc, hoa quả, các loại sữa sau khi lên men nhờ men cái sẽ được ủ mà thành.
Nồng độ rượu rất thấp, 20 độ là cao nhất, hầu như không có mùi vị gì, hoàn toàn có thể dùng làm đồ uống.
Từ thời Bắc Tống, nước Liêu, nước Kim, nhà Nguyên tiến vào Trung Hoa, rượu chưng cất lần đầu tiên xuất hiện theo chân họ. Nồng độ rượu lúc này mới nặng tương tự như rượu ngày nay.
Rượu chưng cất sở dĩ có nồng độ cao như vậy là vì nguyên liệu của nó gồm những chất tinh bột có chứa hàm lượng đường tự nhiên hoặc dễ bị chuyển hoá thành đường. Đường và tinh bột sau khi lên men sẽ sản sinh ra nước cốt rượu. Điểm sôi của nước cốt rượu là 78.5 độ, điểm sôi của nước là 100 độ. Đun nóng dung dịch men đã lên men ban đầu tới giữa 2 điểm sôi trên, là có thể chưng cất ra thành phần cốt rượu và hương liệu. Sau khi nguội đi chúng sẽ trở thành thứ rượu không màu, không mùi, cay xộc thẳng vào mũi. Thường thì nồng độ rượu lên men dưới 20%, còn rượu cất thì có thể lên đến 60%.
Từ đó có thể thấy rằng, dựa vào tửu lượng của con người hiện đại, nếu quay trở về thời cổ đại, thì ta sẽ thấy cách uống rượu của người xưa thật đáng sợ, uống rượu như uống nước lã.
Bộ truyện Thủy Hử được xây dựng trong bối cảnh Bắc Tống, khi còn đang cầm cự với Liêu, và quân Kim còn chưa tiến vào được Trung Hoa. Vậy nên 18 bát rượu mà Võ Tòng uống năm xưa trước khi đi giết hổ có khi còn chưa bằng uống một chai rượu trắng bây giờ! Cũng bởi vì Thủy Hử lấy bối cảnh Bắc Tống, nhưng lại được viết vào thời cuối Nguyên đầu Minh, khi rượu chưng cất đã thịnh hành, nên mới có chỗ mâu thuẫn như vậy.
Còn chuyện thi tiên Lý Bạch uống rượu say, làm thơ hay, nay cũng đã có lời giải thích hợp lý. Ông sống vào thời Thịnh Đường, trước Ngũ Đại Thập Quốc, Tống, Nguyên nhiều năm. Vậy nên rượu ông uống chỉ là rượu lên men nhẹ mà thôi. Uống nhiều cũng chỉ là khiến người ta hứng khởi, có thể làm thơ, chứ không phải dạng nát rượu “ba say chưa chai” như người thời nay nhầm tưởng. Khi đó uống rượu vẫn còn là một thú tao nhã trợ hứng mang đậm nét thi ca.
Còn lời nhận xét “Hậu thế ắt có kẻ vì mỹ tửu mà vong quốc!” thì giờ có lẽ phải sửa lại thành “Ngày nay ắt có kẻ vì bia rượu mà vong quốc!” cho hợp với tính… thời sự của vấn đề.
(theo Trí thức Việt Nam)
Bài viết liên quan
Bài Viết
Cây cát sâm( sâm nam )có công dụng gì?Bài Viết
Công dụng của táo ta ngâm rượu mà có thể bạn chưa biếtBài Viết
Đỏ mặt khi uống rượu nguyên nhân vì đâu?Bài Viết
Đậy nắp bình ngâm bằng lá chuối khô có tác dụng gì?0917.35.1111